Nấm Candida ở vùng kín nữ có nguy hiểm không?

Nấm Candida là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng viêm âm đạo. Vậy nấm Candida ở vùng kín nữ có nguy hiểm không? Tìm hiểu câu trả lời cũng như những lưu ý chăm sóc qua bài viết dưới đây nhé!

Nấm Candida ở vùng kín là gì?

Nấm Candida là một loại nấm men vốn tồn tại ở âm đạo. Bình thường, vi sinh vật này “chung sống hòa bình” với hệ thống vi sinh vật có lợi, tạo nên một môi trường khỏe mạnh cho các hoạt động sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà nấm Candida phát triển quá mức và dẫn tới tình trạng kích ứng và gây viêm âm đạo, âm hộ.

Nhiễm nấm Candida vùng kín là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn tới tình trạng viêm âm đạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các chị em.

Dấu hiệu của nấm Candida vùng kín

Các dấu hiệu của nấm Candida vùng kín thường đa dạng với các mức độ biểu hiện khác nhau. Có nhiều trường hợp, người bệnh không phát hiện được các triệu chứng của bệnh do chỉ nhiễm nấm ở mức độ nhẹ. 

Nhiễm nấm Candida ở vùng kín nữ ở mức độ trung bình hoặc nặng, người bệnh có thể phát hiện ra các triệu chứng như:

– Xuất hiện khí hư bất thường: Khí hư bình thường chỉ tiết ra một lượng nhất định để tránh khô âm đạo với màu trong suốt và có thể kéo thành sợi. Với tình trạng nhiễm nấm vùng kín, khí hư sẽ có màu trắng đục, nặng hơn là vón cục như bã đậu.

– Do khí hư bất thường kết hợp với tình trạng viêm nhiễm âm đạo và âm hộ nên vùng kín sẽ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

– Xuất hiện cảm giác nóng và bỏng rát vùng kín khi đi tiểu hoặc khi quan hệ.

– Sưng tấy môi lớn và môi bé, có thể lan ra hậu môn hoặc lỗ niệu đạo.

Khí hư bã đậu là triệu chứng hay gặp ở những người nhiễm nấm âm đạo

Nấm Candida ở vùng kín nữ có nguy hiểm không?

Mặc dù, nhiễm nấm Candida vùng kín thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu tình trạng này không được điều trị có thể dẫn tới một số biến chứng như:

Viêm nhiễm các cơ quan khác

Âm đạo hay âm hộ không phải là một hệ thống khép kín. Những cơ quan này tiếp xúc với cổ tử cung. Vì vậy, nấm có thể theo đường liên hệ này di chuyển đến các cơ quan như tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng,… Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của các cơ quan kể trên, từ đó gây những tác hại không tốt đến quá trình sinh sản.

Ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai

Ở giai đoạn mang thai, các mẹ bầu xuất hiện sự thay đổi của các nội tiết tố. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Đây là nguyên nhân chính khiến cho phụ nữ mang thai thường có nguy cơ mắc nấm cao hơn.

Mặc dù nấm men thường không ảnh hưởng tới thai nhi nhưng nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không được can thiệp có thể khiến cho mẹ bầu mệt mỏi.

Ngoài ra, trong những tuần cuối cùng của thai kỳ, nếu nhiễm nấm vùng kín đi kèm với nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B không được điều trị có thể dẫn tới vỡ ối non, nhiễm trùng ối, sinh non, nhiễm khuẩn sơ sinh cho trẻ.

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Các triệu chứng ngứa và sưng đỏ vùng kín sẽ khiến cho người bệnh luôn cảm thấy khó chịu. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà còn khiến cho chị em tự ti trong chuyện “chăn gối”.

Ngứa vùng kín do nấm có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh

Lây nhiễm cho người khác

Trong quá trình quan hệ tình dục, nấm hoàn toàn có thể truyền cho đối tác. Điều này có thể khiến cho người kia gặp phải tình trạng nấm vùng kín.

Cách trị nấm Candida dứt điểm

Để trị nấm Candida dứt điểm, chị em cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán mức độ và nhận được những tư vấn phù hợp từ bác sĩ. Các phương pháp điều trị nấm Candida vùng kín phổ biến là thuốc uống, thuốc đặt hay thuốc dạng bôi.

⇒ Xem thêm: Có những loại thuốc trị nấm Candida vùng kín nào? Lưu ý điều trị

Lưu ý, mỗi nhóm đối tượng sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau nên chị em tuyệt đối không được sử dụng đơn thuốc của người khác để áp dụng cho trường hợp của mình. Điều trị nấm Candida ở vùng kín nữ cần kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt để chữa dứt điểm tình trạng này.

Một số thói quen sinh hoạt nên được áp dụng để hỗ trợ điều trị nấm Candida hiệu quả như:

– Xây dựng chế độ ăn phù hợp: Hạn chế những thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ. Tăng cường rau xanh và hoa quả kết hợp với sữa chua giúp sự cân bằng vi sinh vật ở vùng kín.

– Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ không chứa những chất gây kích ứng da vùng kín hỗ trợ cân bằng hệ thống vi sinh vật vùng kín.

– Không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh làm tổn thương vùng da âm đạo hay âm hộ đang trong quá trình viêm nhiễm.

– Mặc những loại quần lót thấm hút tốt để giúp âm đạo luôn khô thoáng. Việc làm này sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của nấm.

– Chỉ quan hệ tình dục sau khi đã khỏi hoàn toàn tình trạng nấm âm đạo.

– Thay băng vệ sinh thường xuyên (4-6 giờ/lần) để tránh tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.

– Đi khám ngay nếu sau 3-5 ngày sử dụng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện.

Sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín dịu nhẹ nhằm hỗ trợ quá trình điều trị nấm vùng kín hiệu quả

Một số dấu hiệu gợi ý không còn tình trạng viêm âm đạo do nấm Candida vùng kín có thể kể đến như:

– Khí hư trắng, có tính chất trong suốt.

– Vùng kín không còn ẩm ướt.

– Không còn các triệu chứng như ngứa, rát hay sưng đau vùng kín.

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn một số thông tin liên quan đến câu hỏi “Nấm Candida ở vùng kín nữ có nguy hiểm không?”. Đây là bệnh lý cần phải được điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của các chị em.

Nếu cần tìm hiểu thông tin về nấm vùng kín hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc vùng kín, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

What Happens If You Don’t Treat a Yeast Infection?, Healthline, truy cập ngày 20/08/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *