Dùng băng vệ sinh bị ngứa, rát là một trong những vấn đề cần quan tâm ở nhiều chị em. Tình trạng này mang đến nhiều sự khó chịu trong cuộc sống. Cùng tìm hiểu dị ứng băng vệ sinh bôi thuốc gì và những vấn đề liên quan qua bài viết dưới đây nhé!
Dị ứng băng vệ sinh là gì?
Dị ứng băng vệ sinh là tình trạng xuất hiện những phản ứng dị ứng sau khi dùng băng vệ sinh. Các phản ứng này sẽ diễn ra ngay lập tức hoặc xuất hiện vài giờ sau khi sử dụng băng vệ sinh.
Yếu tố nguy cơ làm xuất hiện dị ứng băng vệ sinh
Dị ứng băng vệ sinh là một dạng của viêm da tiếp xúc. Sở dĩ xuất hiện tình trạng này là do các chất này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể gây nên các phản ứng trên da.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh lý này có thể kể đến như:
– Ma sát: Băng vệ sinh cọ sát vào vùng da sẽ dẫn tới tổn thương vùng kín. Đặc biệt với những người sử dụng băng vệ sinh có cánh cũng góp phần dẫn tới tổn thương khiến cho âm hộ nổi mẩn đỏ, đau rát,…
– Cơ địa nhạy cảm: Với những chị em có tiền sử viêm da dị ứng thì khi tiếp xúc với băng vệ sinh có thành phần nhạy cảm cũng sẽ có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng kích ứng da.
– Không thay băng vệ sinh thường xuyên: Việc này dẫn tới tình trạng âm hộ bị ma sát trong thời gian dài dẫn tới tình trạng phát ban, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây hại phát triển và gây bệnh.
– Băng vệ sinh kém chất lượng: Băng vệ sinh loại này thường không được kiểm định, không rõ xuất xứ, nguồn gốc nên dễ dẫn tới tình trạng kích ứng da.
Hình ảnh dị ứng băng vệ sinh
Tình trạng dị ứng do băng vệ sinh gây ra thường sẽ xuất hiện ở vùng kín. Một số dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh có thể kể đến như:
– Vùng kín xuất hiện phát ban trên da hoặc vùng âm hộ.
– Mụn nước nhỏ li ti.
– Ngứa dữ dội vùng kín.
– Đau rát vùng kín.
– Da ửng đỏ.
– Xuất hiện khí hư với màu sắc bất thường. Tuy nhiên, triệu chứng này ít được các chị em chú ý đến do trong những ngày “đèn đỏ”, dịch này sẽ lẫn cùng với máu kinh.
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng trong một số trường hợp, chị em có thể gặp phải tình trạng phản vệ gây nên những phản ứng toàn cơ thể như:
– Khó thở.
– Mệt mỏi.
– Đau ngực.
– Sưng miệng, môi.
Với tình trạng này, chị em cần được cấp cứu ngay lập tức để giảm nguy cơ xuất hiện những hậu quả đáng tiếc.
Dị ứng băng vệ sinh bôi thuốc gì?
Trước khi cân nhắc thuốc sử dụng trong trường hợp này, người bệnh cần phải tránh xa tác nhân gây bệnh. Chị em nên đổi loại băng vệ sinh khác, trong trường hợp các triệu chứng này vẫn không thuyên giảm khi đổi băng vệ sinh thì nên đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Với những tình trạng dị ứng băng vệ sinh, bác sĩ sẽ cân nhắc kê các thuốc bôi chứa corticoid hoặc các thuốc chứa những hoạt chất chống dị ứng. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh sẽ được cân nhắc sử dụng thêm thuốc uống chống dị ứng phối hợp.
Ngoài ra, nếu xuất hiện những dấu hiệu của viêm âm đạo do nấm hay vi khuẩn, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống nấm hay kháng sinh phù hợp.
Khi sử dụng những thuốc bôi ngoài da, chị em cần tuân thủ một số vấn đề sau để đảm bảo hiệu quả sử dụng và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng:
– Chỉ sử dụng khi có đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng chi tiết từ bác sĩ – người trực tiếp đánh giá tình trạng dị ứng sau khi thăm khám.
– Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, chị em cần ngừng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
– Vệ sinh sạch sẽ tay cũng như vùng kín trước khi bôi thuốc để hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
– Vệ sinh da vùng kín thường xuyên để giảm tình trạng kích ứng cũng như tái phát gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện tình trạng kích ứng trên da, nếu ngưng sử dụng các sản phẩm nhưng các triệu chứng dị ứng vẫn không thuyên giảm, chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Lưu ý, với những người xuất hiện các triệu chứng của phản vệ thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Vệ sinh vùng kín thế nào để tránh dị ứng
Dị ứng băng vệ sinh là một trong những vấn đề cần được quan tâm để giúp cho chị em không bị ám ảnh trong những ngày “đèn đỏ”. Một số biện pháp để phòng tránh dị ứng có thể được kể đến như:
– Lựa chọn băng vệ sinh phù hợp: Chị em cần lựa chọn những loại băng vệ sinh có nguồn gốc rõ ràng, mềm mại thấm hút tốt, bề mặt thông thoáng và không có tiền sử dị ứng với da trước đó.
– Thay băng vệ sinh thường xuyên: Chị em nên thay băng vệ sinh trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ/lần hoặc khi phát hiện băng vệ sinh đã đầy để tránh tình trạng viêm nhiễm hay kích ứng trên da.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Sử dụng những dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để giúp vùng kín luôn sạch sẽ và hạn chế kích ứng.
– Mặc quần lót phù hợp: Sử dụng quần lót thấm hút tốt, không bó sát để giúp vùng kín khô thoáng.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn câu hỏi “Dị ứng băng vệ sinh bôi thuốc gì?”. Chị em không nên tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về dị ứng băng vệ sinh hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc vùng kín, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
1. Adult diaper rash: What you need to know, Medical News Today, truy cập ngày 09/07/2024
2. Why Do Menstrual Pads Cause Rashes?, Healthline, truy cập ngày 09/07/2024