Dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh mà nhiều chị em bỏ qua

Xuất bản: UTC +7

Dị ứng băng vệ sinh không chỉ đem đến sự khó chịu cho người bệnh mà trong một số trường hợp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe của các chị em. Cùng tìm hiểu dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh để phát hiện sớm tình trạng này nhé!

Dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh

Dị ứng băng vệ sinh là tình trạng da bị kích ứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể tạo điều kiện cho các bệnh lý khác phát triển nếu không được điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu giúp chị em nhận biết tình trạng này như:

Phản ứng trên da

Triệu chứng chính của dị ứng băng vệ sinh xuất hiện do phần âm hộ tiếp xúc với băng vệ sinh gây nên kích ứng. Các dấu hiệu có thể tương tự tình trạng viêm da tiếp xúc. Ở giai đoạn đầu, vùng da gần âm hộ xuất hiện một số đặc điểm tùy thuộc vào mức độ kích ứng đối với da của người bệnh. Cụ thể là:

– Dị ứng nhẹ: Mảng hồng trên da kèm theo những dát sẩn nhỏ trên da. 

– Dị ứng trung bình: Phát ban màu hồng trên da hoặc các nốt sần có diện tích lớn, nằm rải rác có thể liên kết với nhau tạo thành các mảng.

– Dị ứng nặng: Vết loét chứa đầy dịch rỉ viêm.

Phát ban trên da vùng kín là dấu hiệu thường gặp của dị ứng băng vệ sinh

Đau và ngứa vùng kín

Đi kèm với những phản ứng trên da, người bệnh kèm theo tình trạng ngứa dữ dội. Triệu chứng này giảm đi khi người bệnh không tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Ở giai đoạn phục hồi, màu sắc tại vùng da sẽ trở nên sẫm màu hơn, tình trạng sưng đau giảm kèm theo triệu chứng khô da hoặc da bong tróc điển hình.

Dị ứng băng vệ sinh gây nên tình trạng ngứa vùng kín

Người bệnh còn có thể kèm theo tình trạng đau vùng kín dữ dội. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do tình trạng kích ứng nhẹ thì gây tổn thương da, nặng thì dẫn tới nhiễm trùng vùng kín khiến cho quá trình hồi phục kéo dài. Mặt khác, mang băng vệ sinh bị nổi mụn cũng là triệu chứng thường gặp của người bệnh.

Mùi hôi vùng kín

Tình trạng dị ứng băng vệ sinh có thể đi kèm với mùi hôi vùng kín. Sở dĩ xuất hiện triệu chứng này là do những ngày hành kinh nếu chị em không thay băng hay vệ sinh thường xuyên sẽ tạo điều kiện để mồ hôi, dịch tiết âm đạo tồn tại lâu hơn dẫn đến mùi khó chịu ở vùng kín.

Một số trường hợp dị ứng băng vệ sinh có thể đi kèm mùi hôi vùng kín

Triệu chứng khác

Kèm theo những đặc điểm trên, người bị dị ứng băng vệ sinh có thể đi kèm một số dấu hiệu như:

– Mệt mỏi.

– Đau rát khi đi tiểu.

– Đau rát khi di chuyển.

– Khí hư bất thường.

– Sốt.

– Đau đầu.

Dấu hiệu nguy hiểm

Ngoài ra, nếu cơ thể đặc biệt bị kích ứng với chất trong băng vệ sinh dẫn tới phản ứng dị ứng diễn ra đột ngột hơn bình thường có thể gây ra tình trạng phản vệ. Khi xuất hiện triệu chứng sau, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời:

– Khó thở.

– Mệt mỏi.

– Đau ngực.

– Sưng phù mắt, môi.

– Ngứa dữ dội toàn thân.

Khi xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám

Dị ứng băng vệ sinh kéo dài bao lâu?

Tùy thuộc vào mức độ dị ứng mà thời gian hồi phục của người bệnh là khác nhau. Trong trường hợp các triệu chứng nhẹ chỉ gây kích ứng da thì sau 2-3 ngày đổi loại băng vệ sinh phù hợp kết hợp với vệ sinh hiệu quả thì các dấu hiệu trên da có thể biến mất hoàn toàn.

Với những tình trạng nặng hơn, bác sĩ có thể kê những loại thuốc bôi vùng kín kèm theo các thuốc dị ứng để cải thiện các triệu chứng. Nếu có xuất hiện nhiễm trùng, thời gian điều trị sẽ dài hơn, người bệnh có thể phải duy trì sử dụng kháng sinh từ 7-14 ngày.

Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc vì tình trạng phát ban hay nổi mụn vùng kín có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:

– Ghẻ, rận mu.

– Nấm vùng kín.

– Viêm da vùng kín.

– U mềm lây.

– Virus Herpes sinh dục.

– Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như giang mai hay lậu.

– Mụn cóc sinh dục do virus HPV.

Bị dị ứng băng vệ sinh phải làm sao?

Khi xuất hiện những dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh vài giờ sau khi sử dụng, chị em cần ngừng sử dụng ngay băng vệ sinh và thực hiện những việc làm sau:

– Đổi băng vệ sinh không mùi, thành phần thân thiện với da.

– Vệ sinh tay trước khi thay băng vệ sinh.

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ khô thoáng mỗi lần thay thế băng vệ sinh. Lưu ý, cần dùng khăn khô không chứa những chất gây kích ứng để lau vùng kín nhằm tránh kích ứng vùng da nhạy cảm.

–  Thay băng vệ sinh thường xuyên từ 4-6 giờ/lần. Trong trường hợp chảy nhiều dịch hơn thì có thể thay băng vệ sinh sớm hơn.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ là cách để giảm dị ứng băng vệ sinh

Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả những dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ chị em nên đổi loại băng vệ sinh khác và theo dõi thay đổi của những triệu chứng để kịp thời đến các cơ sở y tế nhé!

Nếu cần tìm hiểu thông tin về dị ứng băng vệ sinh hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc vùng kín, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Adult diaper rash: What you need to know, Medical News Today, truy cập ngày 11/07/2024

2. Why Do Menstrual Pads Cause Rashes?, Healthline, truy cập ngày 11/07/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *