Nấm Candida vùng kín nếu phát triển quá mức có thể dẫn tới tình trạng viêm âm đạo. Cùng tìm hiểu những dấu hiệu bị nấm Candida vùng kín và những lưu ý cần thiết qua bài viết dưới đây nhé!
Nấm Candida âm đạo là gì?
Nấm Candida là một loại nấm men tồn tại ở âm đạo. Bình thường khi pH âm đạo duy trì trong khoảng từ 3,5-4,5 thì nấm Candida cùng những loại vi sinh vật khác tồn tại cùng nhau và không gây hại cho âm đạo.
Tuy nhiên, khi độ pH thay đổi, môi trường âm đạo sẽ trở nên thuận lợi hơn cho nấm Candida phát triển. Khi nấm men này phát triển quá mức sẽ gây nên tình trạng viêm âm đạo và âm hộ.
Dấu hiệu bị nấm candida ở vùng kín
Ngứa vùng kín
Tình trạng nhiễm trùng nấm Candida có thể dẫn tới cảm giác ngứa ngáy khó chịu, thậm chí là bỏng rát vùng kín. Nhiều chị em cho biết rằng, khi xuất hiện tình trạng ngứa này, họ thường có xu hướng gãi vùng kín liên tục để làm giảm cảm giác này.
Ngứa vùng kín khi nhiễm nấm sẽ cảm thấy ngứa nhiều hơn vào ban đêm. Đây là một trong những vấn đề gây khó chịu nhất cho các chị em.
Khí hư bất thường
Khí hư bình thường có màu trắng trong, kết cấu hơi dai và có thể kéo thành sợi. Khi nấm men phát triển, tính chất của khí hư sẽ thay đổi với những đặc tính như:
– Tiết nhiều hơn bình thường.
– Âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt.
– Khí hư màu trắng đục, dạng bột như bã đậu.
Âm hộ, âm đạo bất thường
Âm hộ và lỗ âm đạo sẽ xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ. Người bệnh có thể nhìn thấy một lớp phủ màu trắng lên vùng lỗ âm đạo, nặng hơn là âm hộ và các cấu trúc khác tại vùng kín.
Đau rát khi quan hệ
Tình trạng viêm âm đạo do nấm Candida gây ra sẽ làm cho các tế bào vùng này dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, nếu quan hệ tình dục trong giai đoạn này, chị em có thể xuất hiện tình trạng đau rát, thậm chí là chảy máu trong và sau khi quan hệ tình dục.
Đau khi đi tiểu
Cảm giác đau rát khi đi tiểu có thể xuất hiện trong trường hợp nấm gây bệnh ở gần lỗ niệu đạo hoặc đã tấn công vào sâu trong niệu đạo.
Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở vùng kín nặng
Các triệu chứng nhiễm trùng nấm men ở âm đạo có thể nghiêm trọng hơn và cũng khó khăn trong việc điều trị hơn trong một số trường hợp như:
– Người bệnh đang mang thai.
– Người bệnh đi kèm với tình trạng tiểu đường không kiểm soát.
– Hệ thống miễn dịch của người bệnh suy yếu do một số nguyên nhân như HIV/AIDS, sử dụng các thuốc chống thải ghép, sử dụng corticoid liều cao trong thời gian dài,…
– Người bệnh có thói quen thụt rửa sâu trong âm đạo.
Nhiễm trùng âm đạo do nấm Candida có thể được đề cập đến trong trường hợp:
– Xuất hiện các triệu chứng viêm âm đạo nghiêm trọng gây nên tình trạng rách hay lở loét.
– Nhiễm trùng nấm Candida từ 4 lần 1 năm trở lên.
So sánh nhiễm trùng nấm Candida với một số bệnh lý khác
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Mặc dù đều là nhiễm trùng gây viêm âm đạo nhưng ngoại trừ tình trạng ngứa vùng kín đi kèm với cảm giác nóng rát khi đi tiểu thì các triệu chứng còn lại của hai bệnh lý này có sự khác biệt nhất định.
Khí hư do vi khuẩn gây ra còn phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh và thường có một số đặc điểm sau:
– Màu sắc: xanh lá cây, vàng, đỏ có thể xuất hiện màu đen.
– Mùi hôi khó chịu.
– Khí hư không đóng thành cục hay tảng như trong trường hợp của nấm Candida.
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Mặc dù cả hai bệnh lý này đều khiến cho người bệnh khó chịu và bỏng rát khi đi tiểu nhưng tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ gây ra một số triệu chứng như:
– Số lần đi tiểu nhiều.
– Nước tiểu đục hoặc có máu.
– Nước tiểu có mùi nồng.
– Đau bụng dưới.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến các cơ sở Sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị:
– Đã điều trị thuốc nhưng sau 3 ngày các triệu chứng không cải thiện.
– Xuất hiện dịch tiết âm đạo bất thường.
– Ngứa vùng kín dữ dội.
– Đau rát khi quan hệ tình dục.
– Sưng đau âm hộ.
Một số câu hỏi liên quan đến nấm Candida vùng kín
Nhiễm trùng nấm Candida có tự khỏi không?
Tình trạng nhiễm Candida nhẹ có thể tự khỏi nếu người bệnh có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn chí khi nhiễm nấm Candida chứng tỏ hệ miễn dịch đang ở trong tình trạng không khỏe mạnh nên khả năng tự hồi phục là rất thấp.
Vì vậy, thay vì tự khắc phục ở nhà, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ.
Làm sao phân biệt được nhiễm trùng nấm Candida với các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục?
Lưu ý, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có những triệu chứng tương tự nhiễm trùng nấm men như ngứa vùng kín, sưng và đỏ âm hộ, đau khi đi tiểu.
Vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện ra những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục là đến gặp bác sĩ để được kiểm tra nếu bạn có tiếp xúc với những người mắc các bệnh lý có thể lây truyền qua quan hệ trước đó.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn các dấu hiệu bị nấm Candida ở vùng kín. Đây là bệnh lý hay gặp nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, chị em nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra nhé!
Nếu cần tìm hiểu thông tin về nấm vùng kín hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc vùng kín, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
Yeast Infection: Signs & Symptoms, WebMD, truy cập ngày 20/08/2024