Thuốc đặt phụ khoa là một trong những phương pháp điều trị thường dùng. Vậy biểu hiện sau khi đặt thuốc phụ khoa thế nào là bình thường? Cùng tìm hiểu về thuốc đặt phụ khoa và các tác dụng phụ có thể gặp qua bài viết dưới đây nhé!
Khi nào phải đặt thuốc phụ khoa?
Đặt thuốc phụ khoa là hành động sử dụng viên đặt có hình dạng tương tự hình nón và hình trụ được đặc chế chuyên dụng để hòa tan trong âm đạo và giải phóng các chất từ từ theo thời gian.
Thuốc đặt phụ khoa được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn đúng loại thuốc phù hợp với tình trạng của mình. Một số loại thuốc có dạng viên đặt có thể đến như:
– Viên đạn điều trị nấm.
– Viên đạn chứa nội tiết tố để điều trị những tình trạng rối loạn nội tiết tố.
– Viên đạn chứa kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra.
– Viên đạn được sử dụng để bôi trơn hoặc giảm đau.
Viên thuốc đặt âm đạo mang lại tác dụng nhanh có thể hấp thu nhanh chóng qua niêm mạc âm đạo. Ngoài ra, thuốc có thể đến các vị trí bị nhiễm trùng nhanh hơn thuốc uống.
Làm sao để biết đặt thuốc phụ khoa thành công?
Sau khi được bác sĩ kê thuốc sử dụng, chị em hoàn toàn có thể tự thực hiện đặt thuốc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ theo một số bước như sau:
– Chuẩn bị: Rửa sạch vùng kín nhẹ nhàng bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ kết hợp với rửa tay sạch sẽ.
– Chọn tư thế đúng: Chị em nên nằm xuống, hai chân rộng bằng vai, đầu gối gập vuông góc với mặt giường.
– Dùng ngón tay nhét từ từ viên thuốc vào âm đạo.
– Rút ngón tay và rửa sạch tay.
Biểu hiện của việc đặt thuốc thành công mà chị em có thể nhận thấy rõ nhất là thuốc không bị trôi ra ngoài. Để tránh tình trạng này, chị em nên nằm trong vòng 15 phút hoặc tiến hành đặt thuốc trước khi đi ngủ để giảm nguy cơ di chuyển làm thuốc trôi ra ngoài.
Biểu hiện sau khi đặt thuốc phụ khoa
Sau khi đặt thuốc phụ khoa, thuốc sẽ giải phóng từ từ và có thể dẫn tới những biểu hiện bất thường ở vùng kín. Một số biến chứng thường gặp nhất là:
Đau bụng dưới
Đau bụng dưới sau khi đặt thuốc là triệu chứng thường gặp nhất. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này như do thuốc phát huy tác dụng gây nên đau bụng âm ỉ và sẽ biến mất vài giờ sau đặt thuốc.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau bụng dưới kéo dài thì đây không phải là tác dụng phụ thuốc mà có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm phụ khoa mà người bệnh đang gặp phải. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ cân nhắc thay đổi thuốc trong quá trình điều trị.
Dịch âm đạo có màu sắc lạ
Thuốc đặt phụ khoa không cần hấp thu vào máu mà tác dụng trực tiếp vào biểu mô âm đạo nên sau 15-30 phút đặt, thuốc sẽ xuất hiện tình trạng phân hủy và bắt đầu tạo thành bã. Bã này có thể đi kèm với dịch tiết màu đỏ, hồng hoặc vàng.
Ngoài ra, mỗi loại thuốc đặt phụ khoa đều sẽ có mùi riêng biệt nên nếu vùng kín xuất hiện mùi lạ nhưng không đi kèm những dấu hiệu khác thì người bệnh không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác thì người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được điều trị.
Thuốc bị đẩy ra ngoài
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thuốc bị đẩy ra ngoài. Khi gặp tình trạng này, chị em cần phải thực hiện lại các bước để giúp thuốc vào đúng âm đạo. Một số lưu ý để giảm tình trạng này như:
– Đặt thuốc đúng tư thế để viên thuốc đi vào âm đạo đúng cách.
– Nên đặt thuốc trước khi đi ngủ để hạn chế trong quá trình di chuyển thuốc bị trào ra ngoài.
– Đợi thuốc tan hoàn toàn mới đi tiểu để tránh thuốc bị đẩy ra ngoài.
Ngứa vùng kín
Một số thành phần trong thuốc đặt phụ khoa có thể làm cho vùng da nhạy cảm như âm đạo xuất hiện tình trạng kích ứng gây nên ngứa rát vùng kín. Ngoài ra, nếu khi đặt thuốc người bệnh không rửa tay sạch sẽ, vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng thì các tạp khuẩn cũng có thể theo đó mà xâm nhập vào âm đạo gây nên tình trạng ngứa rát.
Xuất hiện máu sau khi đặt thuốc
Nhiều chị em gặp phải tình trạng xuất hiện máu sau khi đặt thuốc. Do viên thuốc đạn được thiết kế chuyên dụng cho việc sử dụng ở âm đạo nên hiếm khi làm tổn thương được niêm mạc vùng này. Vì vậy, tình trạng ra máu sau khi đặt có thể cảnh báo rằng âm đạo đã có những tổn thương nhất định.
Để loại trừ tình trạng chảy máu vùng kín này là do tình trạng bệnh lý làm tổn thương người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và có phương án điều trị phù hợp, tránh những biến chứng không tốt cho chị em sau này.
Phản ứng khác
Mặc dù ít khi xảy ra nhưng chị em có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
– Đau đầu.
– Buồn nôn.
– Chóng mặt.
– Khô âm đạo.
Lưu ý, trong trường hợp chị em bị dị ứng với một số thành phần của thuốc có thể xuất hiện tình trạng dị ứng nhẹ gây ngứa vùng kín nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu như ngứa, phát ban hoặc khó thở, chị em nên ngừng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc thích hợp.
Mong rằng bài viết đã cung cấp cho độc giả những thông tin về biểu hiện sau đặt thuốc phụ khoa. Chị em nên theo dõi các triệu chứng này, nếu xuất hiện điểm nào bất thường thì nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm sau này.
Nếu cần tìm hiểu thông tin về thuốc đặt phụ khoa hoặc tư vấn chuyên sâu về sản phẩm chăm sóc vùng kín, mời độc giả liên hệ theo số hotline miễn cước 1800 9229 để được Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
How to Use Vaginal Suppositories, Healthline, truy cập ngày 03/07/2024